Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

[Sức khỏe đời sống] NHỮNG THỨ KHÔNG NÊN CHO TRẺ ĂN UỐNG


Bài 1. Không nên cho trẻ uống nước quả quá sớm Khi trẻ ngoài 6 tháng tuổi hoặc đã có thể uống nước bằng cốc, lúc đó hãy cho uống thêm nước quả. Với trẻ nhỏ, 100 ml nước quả giàu Vitamin C mỗi ngày là quá nhiều. Đây là lời khuyên của các chuyên gia thuộc Ủy ban dinh dưỡng Mỹ. Hoa quả và rau xanh luôn đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của trẻ em. Tuy nhiên, ăn như thế nào, bao nhiêu là đủ thì không phải cha mẹ nào cũng biết. Trẻ nhỏ cần nhiều vitamin A, C, axit folic, kali và canxi, đó là những chất cơ bản có trong nhiều loại thực phẩm. Do đó, bạn có thể thay thế loại này bằng loại kia cho trẻ đỡ chán, ví dụ thay khoai lang bằng dưa đỏ, cà chua, cà rốt…, cùng thuộc nhóm thực phẩm giàu vitamin A. Nên cho trẻ ăn nhiều loại rau trong một bữa để đỡ ngán và hấp thu các chất dinh dưỡng tốt hơn. - Nhóm giàu Vitamin A: Cà rốt, rau bina, xoài, khoai lang, bí ngô. – Nhóm giàu Vitamin C: Bí ngô, cam, dâu tây, khoai tây, cà chua, bông cải xanh. - Folat: Dâu tây, cam, quả bơ, lê xanh, rau bina, đậu Hà Lan và những loại rau có màu xanh sẫm. - Chất xơ: Xoài, lê, cà rốt, đậu xanh, ngũ cốc. Hiện nay trên thị trường có vô số loại nước quả đóng hộp. Về cơ bản, những sản phẩm này cung cấp khá đầy đủ dưỡng chất cần thiết bằng việc kết hợp với sữa tươi hoặc bổ sung thêm một số thành phần khoáng chất. Mặc dù vậy, chúng vẫn không thể tốt bằng nước được xay, ép trực tiếp từ hoa quả tươi. Một cốc nước quả tinh chất mỗi ngày cung cấp cho trẻ gần như đầy đủ các vitamin và khoáng chất. Tuy nhiên, uống nước quả thế nào cho hợp lý cũng là cả vấn đề, bởi nếu lạm dụng và cho trẻ uống không hợp lý sẽ khiến trẻ lúc nào cũng thấy no và mất dần cảm giác thèm ăn. Mặt khác, những loại nước ép từ táo, lê, nho… có hàm lượng đường cao, khó tiêu hóa, có thể làm trẻ bị đau bụng, tiêu chảy. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo cha mẹ nên hạn chế cho con uống nước quả. Với trẻ 2-3 tuổi, bạn nên cho uống 1/2 cốc mỗi ngày, trẻ từ 4 tuổi trở lên 3/4 cốc mỗi ngày. Có phải tất cả các loại nước quả đều như nhau? Chắc chắn là không. Các hãng sản xuất đều được yêu cầu ghi rõ trên nhãn mác tỷ lệ % lượng nước quả là bao nhiêu. Bạn hãy chọn những sản phẩm trên đó ghi 100% nước quả nguyên chất. Với đa số các sản phẩm như sữa thêm nước trái cây, cocktail hoa quả, nước giải khát hay bột trái cây…, hầu như chỉ có 5% đến 10% nước quả nguyên chất, còn lại là đường. Các loại soda cam và nho thì không hề có nước trái cây mà chỉ đơn giản là pha hương liệu. Mặt khác, không phải loại nước quả nào cũng có thành phần và hàm lượng dinh dưỡng như nhau. Nước nho, táo có lượng đường tự nhiên cao nhất nhưng lại ít vitamin C, còn nước cam tuy ít đường hơn nhưng lượng vitamin C và Kali lại cao hơn. Vì vậy, tốt nhất bạn hãy chọn những loại 100% nước quả nguyên chất được bổ sung vitamin C. Nếu trẻ không chịu uống, bạn cũng chớ sốt ruột, đợi chúng lớn hơn một chút hãy cho uống một số loại nước như cam hay nho. Tuy vậy, một vấn đề sẽ nảy sinh là khi trẻ lớn, bắt đầu tự ăn uống được, chúng sẽ thấy thích uống nước trái cây hơn ăn cơm, uống sữa. Để hạn chế trẻ uống nước quả đồng thời giúp chúng làm quen với việc ăn cơm, uống nước thường, hãy thử: - Pha loãng nước quả với nước. - Cho nước lọc vào những chai. Nước quả hoặc những chiếc cốc trẻ hay dùng để uống nước quả. - Cho trẻ ăn hoa quả bình thường, hạn chế uống nước quả xay, ép. - Bữa tối hãy để một cốc sữa thay vì để 1 cốc nước cam bên cạnh mâm cơm. Các sản phẩm nước trái cây cũng có thể gây ra một số bệnh về đường tiêu hóa. Đó là trường hợp nước trái cây chưa được tiệt trùng hoàn toàn; trong quá trình đóng hộp, vận chuyển, cất giữ dần dần sẽ nhiễm vi khuẩn gây bệnh như tiêu chảy, đau bụng thậm chí là ngộ độc thực phẩm. Trường hợp bạn tự làm nước trái cây ở nhà thì hoa quả vốn đã không sạch rồi; hay khi bạn vắt cam, các loại vi khuẩn trong vỏ cam, trong dụng cụ xay ép sẽ lẫn vào nước cam. Thêm vào đó, nước quả để lâu ngoài không khí sẽ bị vi khuẩn xâm nhập và có thể gây đau bụng. Thông thường, 90% các sản phẩm nưc giải khát đều được tiệt trùng hoặc thanh trùng trước khi tung ra thị trường, trừ các loại nước hoa quả không có nhãn mác hoặc không rõ nguồn gốc xuất xứ. (Theo Đẹp Bai 2. Không nên cho trẻ ăn các món có nhân sâm Một trong những đặc tính của nhân sâm là kích thích cơ thể tiết ra các nội tiết tố sinh dục. Trẻ dùng các thực phẩm hoặc thuốc bổ chứa nhân sâm có thể bị kích thích tình dục sớm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát dục bình thường và gây hậu họa nhiều mặt cho chúng. Vì vậy, các bác sĩ khuyên không nên dùng nhân sâm để trị bệnh hay bồi dưỡng cho trẻ trong bất cứ trường hợp nào. Một điều tra ở Trung Quốc cho thấy, trong 48 loại thực phẩm có tẩm thuốc bổ được ưa chuộng nhất, hơn 30% có thành phần nhân sâm. Tuy nhiên, trên nhãn hiệu của những mặt hàng này không hề có dòng chữ “cấm dùng cho trẻ em”. SK&ĐS (Theo Tránh những sai lầm trong nuôi trẻ) Bai 3. Không nên cho trẻ dưới 6 tháng tuổi dùng đậu tương Một nghiên cứu gần đây ở Mỹ cho thấy, hàm lượng mangan trong đậu tương cao gấp 50 lần so với sữa mẹ. Vì vậy, việc cho trẻ dùng sữa đậu nành (chế biến từ đậu tương) ngay trong 6 tháng đầu sẽ gây ngộ độc tức thì và giảm khả năng tập trung về sau. Ngay từ đầu mùa hè năm nay, các nhà sản xuất sữa đậu nành ở Mỹ đã thêm một dòng trong nhãn sản phẩm của mình: “Không dành cho trẻ em dưới 6 tháng tuổi”. NNVN (theo FA) Bài 4. Không được cho trẻ dưới 1 tuổi ăn mật ong Phần lớn chúng ta cho rằng mật ong rất an toàn cho trẻ nhỏ và thường dùng nó cho trẻ bị tưa lưỡi hay húng hắng ho. Thực ra, thực phẩm này có thể gây nguy hiểm cho trẻ dưới 12 tháng tuổi nếu chứa bào tử clostridium botulinum – thủ phạm gây một chứng ngộ độc thực phẩm rất nguy hiểm. Đúng là mật ong rất có ích đối với sức khoẻ con người. Từ lâu, nó đã được dùng như một bài thuốc cổ truyền chữa bệnh dạ dày. Các nghiên cứu đã chứng minh, mật ong giúp ngăn ngừa sự phát triển của vi khuẩn Helicobacter pylori – thủ phạm gây nhiều trường hợp loét dạ dày. Nó cũng làm giảm chứng viêm dạ dày do uống quá nhiều rượu, giảm khả năng gây ung thư của một số tác nhân độc hại. Các nhà khoa học Nga còn cho rằng mật ong là phương thuốc hiệu quả trong phục hồi thị lực ở những người già bắt đầu bị đục thuỷ tinh thể. Tuy vậy, mật ong rất không an toàn cho trẻ dưới 12 tháng tuổi vì có thể gây ngộ độc botulism – độc tố của vi khuẩn clostridium botulinum. Trường hợp này ít xảy ra nhưng nếu nặng sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh và có thể gây tử vong cho trẻ. Tỷ lệ mật ong chứa bào tử vi khuẩn clostridium botulinum là 5%. Nguyên nhân khiến mật ong bị nhiễm bẩn chưa rõ. Có giả thuyết cho rằng loài vật này bị dính bào tử C từ bụi đất hoặc những thứ khác ở môi trường xung quanh và mang chúng về tổ của mình. Người lớn nuốt phải bào tử clostridium botulinum hầu như không bao giờ bị bệnh bởi hệ tiêu hoá của họ đã trưởng thành, đủ khả năng vô hiệu hoá chúng. Trong khi đó, ở trẻ dưới 12 tháng tuổi, hệ tiêu hoá còn chưa đủ các vi khuẩn hữu ích, chưa thể tiêu diệt bào tử, ngăn ngừa sự phát triển và sản sinh độc tố của chúng. Vì vậy, khi vào cơ thể trẻ, bào tử có thể giải phóng vi khuẩn và sản sinh độc tố. Độc tố botulism là chất tự nhiên độc hại nhất mà con người biết đến. Liều lượng cực nhỏ chất này trong máu có thể làm tê liệt các cơ hô hấp và gây tử vong sau vài phút. Các trường hợp ngộ độc botulism ở trẻ nhỏ đã được phát hiện tại tất cả các châu lục, trừ châu Phi, mà nguyên nhân hàng đầu là mật ong. Ở Mỹ, mỗi năm có 70-90 trường hợp được ghi nhận. Bệnh có thể xuất hiện bất kỳ thời điểm nào trong năm đầu đời, nhưng hay gặp nhất trong 6 tháng đầu. Rất may là trong đa số trường hợp, lượng độc tố hết sức nhỏ nên hậu quả không nghiêm trọng. Triệu chứng đầu tiên của ngộ độc botulism là táo bón, có thể kéo dài 3-30 ngày sau khi ăn phải mật ong chứa bào tử. Trong vòng vài ngày tiếp theo, trẻ trở nên bơ phờ, mệt mỏi, chán ăn, khóc yếu. Sau giai đoạn này, trẻ có thể thèm ăn trở lại, đó là lúc bệnh đã qua đỉnh điểm và bắt đầu thoái lui. Nếu bệnh tiếp tục tiến triển, trẻ sẽ ngày càng ít vận động và có thể bắt đầu chảy nước dãi, phản xạ bú giảm. Một dấu hiệu quan trọng nữa là trẻ bỗng nhiên trở nên mềm oặt, không giữ được đầu như trước. Một số trường hợp bị khó thở vì liệt cơ hoành. Ngừng thở hoàn toàn có thể xuất hiện ngay hoặc từ từ. Những bệnh nhi kể trên cần được chăm sóc đặc biệt về hô hấp và dinh dưỡng. Nếu điều trị đúng, đa số trẻ phục hồi hoàn toàn (thông thường bác sĩ không cần dùng đến kháng sinh hay kháng độc tố). Việc bú mẹ cũng làm giảm độ nặng của bệnh. Để phòng bệnh, cha mẹ không được cho trẻ 12 tháng tuổi dùng mật ong. Ngoài ra, do bào tử clostridium botulinum cũng có trong thực phẩm chưa nấu chín nên phải cẩn trọng khi nấu ăn cho trẻ. (Theo Khoa Học & Đời Sống) Like this: Like Đang tải ... Related

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét