Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

[Sức khỏe đời sống] Giúp bé biết nhai nhanh


Khi sinh ra, bé chỉ có phản xạ mút và nuốt nên thức ăn của bé là sữa. Tới khi bé được 4-6 tháng tuổi thì sữa không đủ cho sự phát triển của bé nữa, bé cần thêm nhiều thực phẩm khác. Vì thế, đường tiêu hóa của bé phát triển theo theo để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của bé. Răng bắt đầu mọc, nước miếng nhiều, ruột hấp thụ được các thức ăn khác sữa… Tuy nhiên, vì chưa có răng hàm nên bé chưa phát triển kỹ năng nhai. Bé vẫn nuốt chửng bột và cháo. Trong giai đoạn này, nếu bé được ăn dặm đúng cách thì bé sẽ tập nhai dần dần. Nhưng đa số bố mẹ sợ bé không đủ dinh dưỡng nên vẫn xay bột và cháo thật nhuyễn và cho bé bú như bú sữa, đồng thời cho bé nằm ngửa nên thức ăn trôi tuột và họng bé không kịp nhai và nuốt. Cứ thế, cứ thế… cho đến lớn bé không còn cơ hội nào để tập nhai. Vậy làm sao bé biết nhai được?. Vài mẹo giúp bé biết nhai Trước hết, mẹ phải biết cho bé ăn dặm đúng cách. Trước hết là đúng tuổi (4-6 tháng), đúng tư thế (cho ngồi ăn) dù bé phun ra ngoài một nửa, đúng thức ăn (bột cháo không xay, chỉ băm nhuyễn). Ngoài bữa ăn mềm (bột, cháo) cho bé một miếng bánh hay trái cây cho bé tập nhai. Hoặc mẹ có thể cho con tập nhai bánh ăn dặm… Mẹ có thể cho bé tự nhón tay thì bé cảm được hết sự thích thú của món ăn bằng tay, bằng mắt, bằng lưỡi. Đây là những đồ ăn không nguy hiểm vì khi bé cho vào mồm, bé chưa kịp nhai, một lát sau có nước bọt, thức ăn đã tan ra rồi. Như thế, bé rất nhanh biết nhai. Không đút miếng quá to làm bé không thể nhai. Ban đầu, mẹ chỉ nên đút cho con thức ăn bằng nửa hạt ngô hoặc không to quá hạt đậu. Ban đầu, có thể bé sẽ cảm nhận lợn cợn trong miệng và mẹ có thể nhai làm mẫu cho con ăn. Có thể lần đầu con sẽ ọe, nhưng sau một vài lần, con sẽ quen và biết nhai. Với những bé đã có “thâm niên ngậm”: Không cho bé ăn vặt trước bữa ăn chính để bé đói. Bé đói quá nên phải nhai mà nuốt, sau đó nếu bé không ăn hết xuất hãy cho bé ăn bú phần còn lại đã xay để không lo thư thiếu dinh dưỡng. Cho bé ăn bữa chính kèm với những thức ăn “khoái khẩu” của bé như trái cây, sữa, sữa chua… Tạo sự tập trung vào bữa ăn: Không vừa ăn vừa xem tivi, chơi trò chơi, xung quanh ồn ào… vì bé mải chú ý những chuyện ngoài cuộc nên “quên nhai” (chúng ta chỉ lừa được bé há miệng để đút thức ăn chứ không bắt bé nhai được vì là tác động chủ động của bé). Thu Hà Bài 2. HÃY GIÚP TRẺ TẬP ĂN NHAI ĐỂ TĂNG CẢM GIÁC NGON MIỆNG Tác giả : TS. HOÀNG KIM THANH (Viện Dinh dưỡng) Do đường tiêu hóa của trẻ còn non yếu nên khi mới bắt đầu ăn sam (ăn dặm), chúng ta phải cho trẻ ăn thức ăn lỏng, thức ăn mềm. Tuy nhiên khi trẻ lớn hơn, đã mọc răng thì cần tập dần để trẻ ăn nhai. Trẻ bình thường bắt đầu mọc răng vào tháng thứ 6, đến 1 năm trẻ có 8 răng cửa, đến 2 tuổi có 20 răng sữa (trong đó có 8 răng cửa, 4 răng nanh và 8 răng hàm). Nếu không tập cho trẻ sớm ăn nhai sẽ không tạo được cho trẻ cảm giác ngon miệng, ngoài ra còn ảnh hưởng không tốt đến quá trình tiêu hóa và hấp thu. Nên giúp trẻ sớm tập ăn nhai Giờ đây việc nuôi trẻ đã có nhiều điều kiện thuận lợi, một số bà mẹ cứ cho thức ăn của trẻ vào cối xay sinh tố để nghiền nhỏ thành một hỗn hợp bột mịn. Việc xay, nghiền nhỏ thức ăn chỉ tốt cho trẻ trong năm đầu, lúc chưa có răng hay răng còn ít. Nhiều bà mẹ đã sử dụng cối xay sinh tố để xay, nghiền thức ăn cho trẻ kéo dài đến 2-3 tuổi là không tốt, không tạo được cho trẻ cảm giác ngon miệng cũng như ảnh hưởng tới quá trình tiêu hóa và hấp thu. Khi trẻ lớn và đã có đủ răng, cần tập dần cho trẻ ăn nhai. Khi nhai, răng cửa và răng hàm đều hoạt động để cắt và nghiền thức ăn. Các cơ hàm cũng cùng làm việc, giúp hai hàm răng khít lại để cắt và nghiền thức ăn có hiệu quả. Vai trò quan trọng của việc nhai đối với quá trình tiêu hóa thức ăn Vấn đề nhai đóng vai trò rất quan trọng đối với sự tiêu hóa của mọi thức ăn, vì các men tiêu hóa chỉ có tác dụng trên bề mặt của các phần tử thức ăn. Sự nghiền thức ăn thành các phần tử nhỏ rồi trộn lẫn với nước bọt sẽ giúp thức ăn vận chuyển dễ dàng trong đường tiêu hóa và các men tiêu hóa dễ hòa trộn vào thức ăn. Nhai sẽ kích thích sự bài tiết các men tiêu hóa, kích thích sự bài tiết nước bọt ở miệng, mà trong nước bọt có men ptyalin, có tác dụng phân giải tinh bột chín thành đường maltose; Kích thích bài tiết dịch vị ở dạ dày, trong đó có men pepsin, có tác dụng tiêu hóa chất đạm. Dưới tác dụng của men pepsin, phân tử chất đạm được cắt thành những chuỗi ngắn. Ngoài ra, men pepsin còn giúp tiêu hóa các sợi collagen, là một thành phần của mô liên kết nằm giữa các tế bào của thịt. Chỉ khi các sợi collagen đã được tiêu hóa thì các men tiêu hóa mới thấm được vào trong tế bào thịt để tiêu hóa. Ngoài các men tiêu hóa, dịch vị còn có một thành phần rất quan trọng là acid clohydric, có vai trò tạo môi trường acid thuận lợi cho men pepsin (men tiêu đạm) hoạt động, có tác dụng sát khuẩn (tiêu diệt các vi khuẩn có trong thức ăn, thủy phân cenlulose của thực vật (chất xơ trong các hạt, rau, củ, quả). Sau khi tiêu hóa tại dạ dày, thức ăn được chuyển xuống ruột. Tại ruột, nhờ có men tiêu hóa của dịch tụy, dịch ruột và muối mật sẽ giúp tiêu hóa nốt các thành phần của thức ăn đến giai đoạn cuối cùng. Nhờ các men tiêu hóa của dịch vị, dịch tụy, dịch ruột và muối mật mà các thức ăn là chất đạm, chất béo, chất bột được tiêu hóa thành những sản phẩm cuối cùng có thể hấp thu được, đó là các acid amin, acid béo, đường đơn. Kết luận Như vậy, khi trẻ đã có răng, các bà mẹ cần chế biến thức ăn có độ lớn, độ mềm thích hợp để giúp trẻ tập ăn nhai. Tập dần cho trẻ từ ăn, uống dạng nước lỏng (nước trái cây; nước rau, quả nghiền, nước thịt…) sang tự cắn một số thức ăn mềm như chuối, đu đủ, khoai lang, trứng luộc… Có thể băm nhỏ, nghiền nhỏ các loại thịt, tôm, cá… Mức độ băm, nghiền từ rất nhỏ đến nhỏ vừa, rồi thái lát nhỏ khi trẻ đã lớn và có nhiều răng hơn. Khi trẻ ngoài 6 tháng tuổi, các loại rau xanh nên được thái nhỏ. Nếu mọi thứ đều cho vào cối xay sinh tố, xay nhừ thành một hỗn hợp mềm, mịn (trẻ không cần nhai mà chỉ nuốt) sẽ không tạo được cho trẻ cảm giác ngon miệng, các cơ nhai và hàm không được tập luyện nên sẽ yếu, đồng thời quá trình tiêu hóa hấp thu cũng sẽ không triệt để vì men tiêu hóa không được kích thích bài tiết đủ. Đó cũng là lý do tại sao nhiều cháu nhỏ lại chán ăn, hay ngậm, không muốn nuốt thức ăn dưới dạng hỗn hợp xay mềm. Like this: Like Đang tải ... Related

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét