Thứ Bảy, 19 tháng 4, 2014

[Sức khỏe đời sống] Người quá sạch sẽ

Bài 1. Quá sạch sẽ dẫn đến trầm cảm [Vietnamnet, 26/7/2011] – Những người sạch sẽ một cách thái quá trong nhà mình và tại cơ quan là tự mình phá hoại mối quan hệ giữa cơ thể với những vi khuẩn có ích, làm suy yếu hệ thống miễn dịch và làm giảm chức năng của não, thông tin trên trang Pravda cho hay. Dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa là điều rất tốt, song cái gì cũng nên có giới hạn của nó. Chúng ta thường gặp những người phụ nữ lúc nào cũng chăm chăm đến việc sắp xếp lại mọi thứ trong nhà, lau chùi các đồ vật đến sáng loáng, rất khó chịu với những người khách vô ý bước vào nhà mình với đôi giày bui bặm và không muốn những người lôi thôi, đi xa về chẳng hạn, vào gian phòng của mình.  Những người đó thường bị nhận xét rằng “sạch sẽ một cách bệnh hoạn”. Hóa ra, lời nhận xét đó là sự thật. Sự sạch sẽ quá mức mang tính bệnh lý khó sửa và thực tế cũng dẫn đến các loại bệnh … Các nhà y học đã tìm ra mối quan hệ tỷ lệ thuận trực tiếp giữa lượng bụi còn tồn tại trong nhà với nguy cơ dễ mắc một dạng trầm cảm rất nặng và cuối cùng chuyển thành một loại bệnh tâm thần. Thêm vào đó người ưa sạch sẽ còn làm rối loạn hoạt động của hệ miễn dịch vốn là hàng rào ngăn cản sự xâm nhập mọi bệnh vào cơ thể. Các nhà y học giải thích: Khi hệ miễn dịch bị suy yếu, cơ thể trở nên bị mẫn cảm với bụi và các chất bẩn (dị nguyên) khác, khiến người ta thường xuyên bị dị ứng. Chứng dị ứng làm chậm lại quá trình sản sinh trong não những hóa chất quan trọng, trong số đó có serotonin. Thiếu hoặc giảm nồng độ chất này trong máu là một nguyên nhân thực thể của bệnh trầm cảm. Chính vì vậy, người ta thường khuyên chỉ nên dọn dẹp mọi thứ trong ngôi nhà của bạn mỗi tuần một lần và tổng vệ sinh từ 3 đến 4 tháng một lần là hoàn toàn đủ. Tất nhiên lời khuyên này còn phụ thuộc vào môi trường bên ngoài. Sống giữa đường phố chật hẹp và bụi bặm chắc phải làm vệ sinh thường xuyên hơn. Bảo Châu Bài 2. Sinh bệnh do… quá sạch sẽ Vệ sinh sạch sẽ có thể giúp giảm thiểu sự tấn công từ những vi trùng có hại, và có khả năng kìm hãm sự sinh sôi của vi sinh vật có lợi. Cơ thể dễ bị nhiễm bệnh khi các chất bảo vệ tự nhiên bên ngoài bị lấy đi…một phần lí do đó có phải do bạn đang quá sạch sẽ?. Cắt móng chân, móng tay quá sâu Vệ sinh tay, chân, bạn chỉ nên cắt một phần móng tay, móng chân, tránh cắt, tỉa quá sâu lẹm vào phần da thịt. Khi cắt quá sâu, gây xước da hoặc vào phần thịt sẽ khiến hoạt động chân, tay của bạn trở nên khó chịu, trong trường hợp xấu nhất có thể gây nhiễm trùng, viêm da. Tracey Toback, tiến sĩ tại Rhinebeck, New York chia sẻ: “đừng bao giờ mang giày quá chật, chú ý vệ sinh tay, chân là điều khuyến khích, tuy nhiên, bạn nên cắt móng tay, móng chân thẳng, ở mức vừa phải, không xâm nhập vào phần da thịt với việc cắt quá ngắn hoặc quá sâu”. Đánh răng lâu chưa chắc đã sạch Ronald Goldstein, tác giả cuốn sách Change your smile cho biết: “Đánh răng nhiều lần trong ngày, chải răng quá lâu không giúp hàm răng bạn sạch sẽ, trắng bóng, mà thay vào đó gia tăng độ nhạy cảm của răng, răng dễ sâu và thay đổi (biến dạng) vì phần men răng bảo vệ bên ngoài bị hao mòn và các mô nướu xung quanh”. Bạn nên kiểm tra và thay bàn chải đánh răng trước khi chúng đến hạn sử dụng. Ngoài ra, đến khám nha sĩ thường xuyên để đảm bảo bạn chải răng đúng cách và sức khỏe răng miệng của bạn không gặp bất ổn gì. Nhiều người duy trì thói quen dùng tăm xỉa răng sau bữa ăn để vệ sinh răng, ngăn chặn thức ăn thừa có cơ hội bám và làm hại chân răng. Tuy nhiên, bạn nên thay đổi thói quen này với chỉ nha khoa, để bảo vệ nướu và không làm thay đổi cấu trúc hàm răng. Lạm dụng xà phòng và các chất tẩy rửa Xà phòng và các dung dịch vệ sinh rất hữu ích trong việc phòng ngừa sự lây lan của vi khuẩn nhất là khi bạn tiếp xúc với nhiều ổ vi khuẩn di động trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng lạm dụng chúng quá nhiều hoặc tiếp xúc thường xuyên sẽ gây những tổn thương đến làn da. Bạn nên chọn các sản phẩm chăm sóc da chiết xuất từ thiên nhiên, không gây kích ứng da mạnh mẽ và không rửa nhiều hơn hai lần/ một ngày. Giống như việc nếu bạn có làn da dầu, việc rửa mặt với sữa rửa mặt quá nhiều lần trong ngày sẽ lấy đi lớp bảo vệ trên da, lỗ chân lông và các tuyến nang bị tổn thương do tiếp xúc hóa chất, làn da trở nên nhạy cảm, nguy cơ bị mụn sẽ cao hơn. Bạn chỉ nên tẩy các tế bào da chết từ hai – ba lần trong tuần, các loại kem giúp tẩy tế bào da này sẽ ăn mòn hoặc lấy đi lớp biểu bì bảo vệ trên da, khiến da bạn mỏng manh và dễ bị vi khuẩn xâm nhập. Giấy vệ sinh chưa hẳn đã đảm bảo vệ sinh Quá ưa chuộng giấy vệ sinh cũng chưa hẳn là ý kiến tốt. Sau khi vệ sinh, việc ngứa ngáy, khó chịu có thể do vệ sinh kém, tuy nhiên, ngứa và các kích thích, dị ứng còn do vùng da hậu môn bị cọ xát quá nhiều với giấy vệ sinh hoặc rửa quá nhiều. Vùng trực tràng chứa các chất nhờn tự nhiên, giúp bảo vệ cơ quan bên trong và ngăn ngừa kích thích trong khi xà phòng hay giấy vệ sinh lại lấy đi hay làm khô chất dầu tự nhiên quan trong này. Bạn nên chọn giấy vệ sinh đảm bảo, có thương hiệu uy tín trên thị trường và sử dụng thông minh các sản phẩm như xà phòng, dung dịch vệ sinh để tránh lạm dụng chúng, sạch sẽ quá mức đôi khi cũng gây hại cho cơ thể. Theo Đẹp Bài 3. Quá sạch sẽ có thể là biểu hiện của bệnh tâm lý Nó có tên là rối loạn ám ảnh cưỡng chế đó các ấy ạ! Ai cũng nghĩ rằng sạch sẽ, tỉ mỉ và cẩn thận là đức tính tốt. Tuy nhiên, nếu sự cầu toàn đó trở thành nỗi ám ảnh cho bạn thì nó không còn là đức tính tốt nữa đâu nhá! Các nhà khoa học đã xác định đó là một căn bệnh tâm lý đáng gờm rồi đó! Bệnh đó là gì vậy? Rối loạn ám ảnh cưỡng chế là một rối loạn tâm lý có tính chất mãn tính, dấu hiệu phổ biến của bệnh mắc phải đó là ý nghĩ ám ảnh, lo lắng không có lý do và phải thực hiện các hành vi có tính chất ép buộc. Người bệnh thường có cảm giác bị thôi thúc bởi những suy nghĩ và hành động, được cảm nhận là rất đáng sợ hoặc là bị hành hạ rất đau khổ. Vì sao tớ lại mắc chứng bệnh này? Các ấy biết không, một số trường hợp bị rơi vào trạng thái rối loạn tâm lý như thế này là do phương pháp dạy dỗ khi còn nhỏ. Những bạn này ngay từ bé thường bị ép phải làm theo kỉ luật một cách cứng nhắc, nghiêm ngặt, chuẩn xác khiến họ luôn có cảm giác mình đang làm sai một việc gì đó và thấy sợ hãi vì bị phạt. Ngoài ra, sự sạch sẽ, tỉ mỉ quá đáng hay luôn tin rằng mọi việc bất ổn xuất hiện do đặc trưng tính cách cũng là một trong những lý do dẫn đến bệnh rối loạn tâm lý cưỡng chế. Làm thế nào để biết tớ mắc phải chứng bệnh này? Ý nghĩ ám ảnh Người mắc chứng bệnh này thường khá cứng nhắc, luôn luôn ngờ vực, luôn đòi hỏi mọi thứ phải chính xác, nằm trong sự kiểm soát. Nhiều người còn tỏ ra ngoan cố cũng như quá cẩn thận trong từng cử chỉ hành động nhỏ nhất của mình. Xuất phát từ đó, những người này sẽ có tâm trạng lo âu thái quá về sạch sẽ hay mong muốn mọi thứ phải thật hoàn hảo đến mức gây khó chịu cho người xung quanh. Hành vi cưỡng chế Đa số người mắc rối loạn ám ảnh cưỡng chế có các hành vi lặp đi lặp lại gọi là hành vi cưỡng chế. Nó thường xuất phát từ chính những ý nghĩ ám ảnh họ hàng ngày: - Sợ bị bẩn nên lau, rửa, chùi, giặt, tắm… quá nhiều lần trong ngày. - Sợ bị lây nhiễm hoặc lây nhiễm bệnh cho người khác nên tránh tiếp xúc gần với người khác. - Sợ mắc sai lầm nên không dám chủ động làm bất cứ cái gì, không dám phát biểu trước đám đông, sợ đi xe máy do lo lắng sẽ gặp tai nạn… - Sợ hành vi của mình không được chấp nhận nên thường luống cuống, vụng về, run tay khi thực hiện trước người khác, trong khi hành vi này lại làm rất tốt khi chỉ có một mình. - Đòi hỏi tính cân đối và chính xác nên thường đo đi đo lại nhiều lần nếu cần phải may hay thiết kế một cái gì đó, ví dụ như đếm đi đếm lại nhiều lần một khoản tiền nhỏ cũng là biểu hiện của bệnh đấy! Ảnh hưởng của nó đối với chúng mình là gì? Bề ngoài thì căn bệnh này hầu như chỉ biểu hiện như một dạng tính cách kĩ càng, của người hay soi xét, để ý chứ không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Nhưng trên thực tế, các chuyên viên y tế đã xác nhận, căn bệnh này lâu ngày sẽ khiến người bị bệnh gặp phải các trở ngại trong giao tiếp, bị tự kỉ ám thị… Đặc biệt, nó khiến cho hệ thần kinh luôn trong tình trạng căng thẳng quá độ dẫn đến trạng thái đau đầu, stress và nặng hơn là mắc chứng thần kinh cấp độ 2. Biện pháp khắc phục Ngay khi phát hiện ra người xung quanh có những biểu hiện của bệnh, bạn cần nhanh chóng đưa họ đến gặp các bác sĩ chuyên khoa để được khám và điều trị kịp thời. Hãy nhớ rằng, căn bệnh này càng được chữa trị nhanh thì càng tốt đó các ấy ạ! Tạo cho người bệnh không gian thoải mái, không căng thẳng để tránh cho họ bị sợ hãi và ám ảnh nhiều hơn. Theo , 25/5/2012 Bài 4. Khổn khổ vì vợ… quá sạch [Afamily, 3/4/2012] – Có những bà vợ lúc nào cũng đặt mọi thứ dưới “kính hiển vi” để săm soi, coi trọng việc sạch sẽ một cách thái quá nên đã gây ra lắm nỗi muộn phiền cho những người xung quanh, đặc biệt là những ông chồng. Điệp khúc của vợ: “Như thế mất vệ sinh lắm” Ai đến nhà anh Quyết (Thanh Xuân – Hà Nội) lần đầu đều vô cùng ấn tượng bởi mọi thứ trong nhà sạch sẽ vô cùng. Nhưng sau cái ấn tượng ấy hầu hết không ai muốn quay lại vì sợ vô tình phạm lỗi “mất vệ sinh” trong căn nhà “sạch không tì vết” đó. Điều ấy cũng chính là nỗi phiền muộn của anh Quyết, nỗi phiền muộn đến từ một người vợ quá sạch sẽ và chỉn chu. Theo những lời anh Quyết tâm sự, chị Hạnh – vợ anh là một người phụ nữ của gia đình, chị chu đáo mọi việc trong nhà. Anh hầu như không có gì phàn nàn về vợ chỉ duy một điều anh thấy sợ cái sự sạch sẽ đến thái quá của chị Hạnh. Mọi thứ trong nhà lúc nào cũng phải sáng bóng lên. Điều đó cũng là cái tốt nhưng nhiều lúc chị cẩn thận tới mức nhìn đâu cũng thấy vi trùng. Anh Quyết kể lại, lần đó, bạn anh dẫn con tới thăm nhà của hai vợ chồng. Vừa bước chân tới cửa do thằng bé còn nhỏ chưa biết gì nên tung tăng chạy cả giày vào nhà. Ngay lập tức chị Hạnh chạy từ trong chạy ra, không kịp chào hỏi người khách đã giật giọng “Giời ạ, nền nhà cô vừa lau xong đi cả giày vào thế này bẩn lắm, mất vệ sinh lắm”. Báo hại anh bạn ngượng ngập xin lỗi rồi vội chạy lại túm chặt lấy đứa con ôm khư khư trong lòng không dám cho nó đi đâu nữa. Ngồi một lát anh ấy kiếm cớ về. Nhìn thái độ của bạn, anh Quyết biết anh ấy phật ý và xấu hổ. Anh phân tích cho vợ hiểu nhưng chị Hạnh lí sự: “Không nhắc con giữ lịch sự gì cả, nhà cửa người ta lau bóng lộn lên như thế mà còn phi cả giày vào, đúng là ở bẩn nó quen rồi”. Họ hàng, người thân tới chơi cũng “hãi hùng” và ngượng chín mặt trước những phản ứng thái quá của chị Hạnh khi họ vô tình làm điều gì đó khiến chị cho rằng “không sạch sẽ”. Nhiều lần anh hỏi mấy người anh họ sao dạo này không tới chơi, họ tếu táo đáp lại làm anh không còn lỗ nẻ nào mà chui: “Đến nhà chú chúng tôi không biết nên đứng hay nên ngồi chỉ sợ không may động tay, động chân làm ‘mất vệ sinh’ cái gì lại khổ cô ấy lau dọn cả ngày”. Ngay cả mẹ của anh Quyết cũng không phải là ngoại lệ. Lần đó bà đút cháo cho cháu ăn. Đang đưa thìa cháo lên kề miệng để thổi cho bớt nóng, chị Hạnh tiến đến, cuống quýt giật vội bát cháo từ tay mẹ mà than thở: “Mẹ thổi cho nguội thì phải để xa xa cái thìa ra chứ, ai lại dí sát vào miệng thế kia mất vệ sinh lắm mẹ ạ. Mẹ để con đút cho”. Bực mình, mẹ anh Quyết đứng dậy ra về với câu nói dỗi: “Cả đời tôi đẻ 4 người con, trong đó có chồng chị, tôi toàn nuôi kiểu ‘mất vệ sinh’ ấy đấy, mà có đứa nào chết đâu”. Vợ sạch quá… mất hứng yêu Cũng chung một nỗi khổ như anh Quyết, anh Hưởng còn gặp phải nhiều tình huống oái oăm hơn do cái sự sạch sẽ của vợ mà ra. Ngoài những việc nhà cửa, bát đĩa, đồ dùng trong nhà phải sạch sẽ ra, nhiều lúc ngay cả trong lúc hai vợ chồng tình cảm, hứng khởi nhất chị Thanh – vợ anh cũng đặt chỉ tiêu “sạch” lên hàng đầu. Anh Hưởng từng tâm sự, nhiều hôm tắm xong, ra ngoài thấy vợ đang nấu cơm. Muốn vợ vui, anh chạy vội lại ôm vợ từ phía sau, thơm nhẹ lên má vợ định bụng nói yêu vợ lắm. Ai dè, chưa kịp nói gì anh đã giật nảy mình bởi tiếng quát lớn của vợ: “Anh tránh ra, người em đang nấu nướng như thế này ôm với ấp gì. Anh mau mà đi tắm lại đi, như thế thì tắm cũng bằng hòa rồi. Anh mà không tắm lại, tối đừng hòng nằm chung giường với em nhé”. Nghe vợ nói thế, anh Hưởng mất hứng, quay ra phòng khách ngồi chờ cơm, mặc cho vợ kì kèo vì anh không chịu… tắm thêm lần nữa. Không chỉ có vậy, sau một ngày làm việc vất vả, chỉ có buổi tối hai vợ chồng mới có chút thời gian dành cho nhau. Ấy vậy mà anh nằm trên giường chờ vợ tắm cả tiếng đồng hồ mới xong. Vợ tắm xong, anh vào tắm qua loa cho xong, hí hửng ra đòi “âu yếm” vợ. Nhưng khổ một nỗi, khi anh vẫn còn quấn cái khăn tắm trên người, lao ra ôm lấy vợ thì đã bị chị Thanh đẩy ra: “Anh tắm táp cái kiểu gì đấy, mới có hơn 10 phút đã xong thì sạch làm sao được. Quay vào tắm tiếp đi”. Bực mình, anh để nguyên hiện trạng, lên giường quay mặt vào tường nằm ngủ.

“Thực sự cái ‘sạch’ của vợ mình thái quá không chịu nổi. Nhiều lúc mình đang rất muốn thể hiện tình yêu với vợ cũng bị thói quen đó của cô ấy làm mất hứng. Đúng là khổ vì vợ quá sạch thật” – anh Hưởng chia sẻ. Vậy đấy, trong cuộc sống đúng là cái gì quá cũng không tốt. Trường hợp của những bà vợ sạch một cách thái quá như vậy làm cho người xung quanh phải đau đầu, thậm chí là phiền toái và khó chịu. Là một người phụ nữ tinh tế hãy giữ thói quen “sạch sẽ” ở một giới hạn tốt nhất nhưng đồng thời cũng nên biết chấp nhận mọi cái ở mức tương đối để thấy tất cả mọi người đều thoải mái nhất. Bài 5. Muốn con khoẻ mạnh, đừng quá… sạch sẽ Nếu con bạn có nghịch đất, bò lê ra sàn nhà hay chơi với vật nuôi, v.v… thì đừng vội la mắng vì điều này có tác dụng kích thích hệ thống miễn dịch trong cơ thể bé. Ngày nay, các bậc cha mẹ, đặc biệt là những người ở thành phố luôn có một tiêu chuẩn vàng trong việc nuôi con đó là: phải sạch sẽ tuyệt đối. Và đó cũng là suy nghĩ của hầu hết cha mẹ khi chăm con, họ nghĩ rằng chăm trẻ càng sạch, chúng càng ít bệnh tật. Thế nhưng, việc chăm sóc quá kĩ này có vẻ mang tới nhiều nguy hiểm hơn là lợi ích như mong muốn. Một nghiên cứu được tiến hành bởi Hiệp hội Y học Mỹ thì những đứa trẻ tiếp xúc bình thường với chó, mèo có nguy cơ mắc dị ứng thấp hơn 50% so với những đứa trẻ luôn bị cách li với những con vật này. Nghiên cứu cũng cho thấy, những trẻ em lớn lên ở nông thôn, thường xuyên được tiếp xúc với cây cỏ và động vật ít bị bệnh tật và ít dị ứng hơn những trẻ được cha mẹ bảo bọc quá kĩ. Madhu Berman – người chuyên nghiên cứu về bệnh dị ứng cho biết: “Nếu con bạn có nghịch đất, bò lê ra sàn nhà hay chơi với vật nuôi, v.v… thì đừng vội la mắng vì nó có tác dụng kích thích hệ thống miễn dịch trong cơ thể bé”. Tuy nhiên, cha mẹ nên giữ con cẩn thận trước những vi khuẩn không có lợi gây dị ứng cho trẻ như thuốc kháng sinh, chất tẩy rửa, v.v… Theo như Trung tâm phòng chống bệnh của Mỹ, có đến 55% người Mỹ mắc chứng dị ứng nhẹ. Ở trẻ em, so với thập niên trước, tỉ lệ bé bị dị ứng với thức ăn tăng lên 18%, ngay cả khi cha mẹ chúng đã chú ý bỏ đi những thực phẩm dễ gây dị ứng trong khẩu phần ăn của con mình. Vì vậy, khi nuôi con đừng quá sạch sẽ và cầu toàn, hãy để trẻ tự do vui chơi và khám phá, “bẩn một chút cũng không vấn đề gì, vì nó giúp tăng cường sức đề kháng của trẻ. Và việc tránh không cho trẻ ăn những thức ăn dễ gây dị ứng như sữa hay trứng cũng không hẳn là tốt vì việc tiếp xúc với những chất gây dị ứng thông thường sẽ khiến trẻ có được khả năng đề kháng tốt hơn trong tương lai”, một bác sĩ nhi khoa cho biết. Nguồn: afamily Bài 6. Ly dị vì vợ quá… sạch sẽ! Cuộc hôn nhân chóng vánh của tôi được tổ chức sau ba tuần cưa cẩm em. Đó là thời gian quá ngắn để chúng tôi hiểu nhau. Trong mắt tôi, em là người khá chu toàn. Cô ấy làm mọi việc đều đến nơi đến chốn và mắc bệnh sạch sẽ thái quá. Và chính cái bệnh sạch sẽ quá mức này của em mà tình cảm gia đình, vợ chồng tôi bị sứt mẻ đến mức không thể cứu vãn. Người đầu tiên tự ái với “bệnh sạch” thái quá của em là mẹ tôi. Mẹ tôi nhớ con trai nên lên Hà Nội thăm hai vợ chồng. Tôi cũng muốn mẹ ở đây vài tháng để có điều kiện chăm sóc bà. Lên Hà Nội với con, mẹ cũng mang vài con gà ri làm quà quê. Nhưng mẹ vừa đặt bu gà xuống cửa, vợ tôi đã hét toáng lên: “Trời ơi, bu gà này đầy phân, bao nhiêu vi trùng lây hết ra nhà rồi”. Mẹ tôi sượng người lại, rớt nước mắt. Tôi mắng vợ để xoa dịu mẹ. Mẹ chỉ vào nhà ngồi uống chén nước rồi nhất quyết ra bắt xe về quê. Từ đó, không bao giờ mẹ lên thăm chúng tôi nữa. Tôi uất vợ đến không nói được câu nào. Em gái tôi mang song thai rất to nên phải lên Hà Nội mổ đẻ. Bốn ngày sau, em được xuất viện với hai cô con gái xinh xắn. Thương em mới sinh còn yếu nên tôi bảo về nhà tôi ở mấy ngày cho em bé cứng cáp. Thế mà khi mẹ con em đang nghỉ ngơi trong phòng, vợ tôi đi làm về gào to: “Hơi bà đẻ bẩn lắm. Anh định để không khí nhà mình bị ô nhiễm hay sao mà rước bà đẻ về nhà”. Nghe tiếng ồn ào, hai cháu bé giật mình khóc toáng. Tôi và em gái phải dỗ hồi lâu các cháu mới chịu ngủ. Hôm sau, đi làm về, tôi đã thấy phòng em gái trống trơn. Em đặt lại mảnh giấy với nét chữ run rẩy: “Em gọi taxi đưa cháu về kẻo làm bẩn nhà anh chị”. Tôi với vợ cãi nhau suốt ngày hôm ấy. Vì vợ mà tình anh em của chúng tôi bị sứt mẻ. Người nhà đã vậy, khách đến nhà chơi, vợ tôi cũng không tha. Mỗi lần khách đến, cô ấy cứ ngồi kè kè ở phòng khách để “soi” xem khách khứa có động chạm vào vật gì trong nhà. Nếu bạn bè tôi sờ tay vào sẽ bị vợ tôi mang ra kỳ cọ xà phòng kỹ lưỡng. Nhưng thôi, “khuất mắt trông coi”, bạn tôi đã về nên ít ra cũng không thấy cảnh tượng gai mắt này. Khó chịu nhất là hàng ngày, tôi ăn hay uống bất kỳ thực phẩm nào cũng bị vợ bắt đi đánh răng ngay sau đó. Một ngày tính sơ sơ, tôi cũng phải đánh răng gần chục lần. Lợi tôi bị sưng trắng lên, răng bị mài mòn vì đánh răng quá nhiều lần/ ngày. Chiếc laptop là vật rất thân thiết của tôi. Nó đã theo tôi suốt thời sinh viên cho đến lúc đi làm. Vợ tôi nói: Bàn phím máy tính chứa ổ vi khuẩn. Cô ấy đã dùng cồn để lau sạch bàn phím mỗi buổi tôi đi làm về. Cô ấy lau nhiều đến độ chẳng còn chữ nào trên bàn phím nữa. Mỗi tối tranh thủ làm thêm việc, tôi phải dò dẫm đánh từng con chữ theo thói quen. Tôi ức chế nên thường không có hứng khởi với công việc. Do vậy, sếp hay nói tôi “lười, thiếu tinh thần trách nhiệm”. Tôi chẳng biết phải giải thích nguyên nhân “trời hơi đất hỡi” thế nào với sếp. Ngày nào tôi cũng bị vợ cằn nhằn vì ở bẩn. Mặc dù với những người xung quanh, tôi vẫn được đánh giá sạch sẽ, ngăn nắp. Mỗi lúc trở về nhà sau một ngày làm việc vất vả, tôi lại phải hứng chịu những lời dạy dỗ về sự sạch sẽ của vợ. Nói chuyện với cô ấy về vấn đề này, cô ấy cười nhạo nói: “Một là anh phải sạch sẽ như em, hai là ly hôn”. Tôi chưa biết xử trí thế nào, cô ấy đã chạy vào phòng lấy giấy viết đơn ly hôn đặt lên bàn. Nhưng một lúc sau, nghĩ thế nào, vợ tôi lại cầm tờ đơn ly hôn đó xé vụn. Vợ tôi vốn học ngành y nên có lẽ, cô ấy đã bị bệnh nghề nghiệp. Tôi cố gắng hiểu và nhường nhịn làm theo ý vợ cho êm cửa êm nhà. Song mức độ sạch sẽ của cô ấy ngày càng trở nên trầm trọng theo cấp số nhân khiến tôi cực kỳ ức chế, khó chịu. Mới lấy nhau được 9 tháng nên tôi đã phải suy nghĩ rất lâu mới dám quyết định viết đơn ly hôn. Cả hai chúng tôi cùng ký vào tờ đơn mà không ai có ý định níu kéo nửa kia. Đến nay, hơn một năm trôi qua nhưng những tháng ngày sống trong cảnh “Không để con vi trùng nào sống sót” vẫn còn khiến tôi rùng mình. Theo afamily, 29/6/2012 Bài 7. Khổ như lấy chồng… sạch Anh Thăng giãi bày: ‘Một tháng làm gì tôi không bỏ ra được vài ba triệu thuê ôsin. Cùng lắm chỉ bằng một lần đi nhậu. Trước đây, tôi đã thuê vài ôsin rồi. Nhưng bà cô nào cũng bẩn thỉu. Tôi không thể chịu được’. Hốt hoảng vì chồng sạch Chị Miên luôn tự hào với các đức tính tuyệt vời của chồng mình. Anh Thăng dù làm giám đốc một công ty ăn nên làm ra nhưng hết lòng với gia đình. Mọi công việc to nhỏ của hai họ đều do một tay anh lo liệu. Dù không phải nội trợ, giặt giũ nhưng cứ về đến nhà là anh lại lau dọn. Ngày nào cũng như ngày nào, bận rộn hay thảnh thơi, anh đều tự tay cầm chổi lau từ tầng 5 xuống tầng 1. Bạn bè đều nói anh Thăng “hâm”. Tiền có nhiều mà không chịu thuê ôsin. Anh Thăng giãi bày: “Một tháng làm gì tôi không bỏ ra được vài ba triệu thuê ôsin. Cùng lắm chỉ bằng một lần đi nhậu. Trước đây, tôi đã thuê vài ôsin rồi. Nhưng bà cô nào cũng bẩn thỉu. Tôi không thể chịu được”. Đúng là anh Thăng không thể chịu được thật. Các ôsin dù sạch đến mấy cũng không thể đáp ứng đúng yêu cầu mà anh đề ra vì anh sạch quá mức. Với anh, nhà không được phép có dù chỉ một hạt bụi. Cốc chén nếu tồn tại một vết ố không rửa sạch được, anh cũng bắt vứt cả bộ. Sau đó đưa tiền cho vợ mua bộ khác. Bản thân rất sạch sẽ mà chị Miên cũng phát hoảng với “căn bệnh” sạch của chồng. Chị gọi đó là bệnh vì chồng chị sạch đến bất thường. Tuy nhiên, các công việc anh đều tự làm, chẳng ảnh hưởng tới ai nên chị mặc kệ. Bệnh của anh Tuấn, chồng chị Quy còn ở mức độ đáng báo động hơn nhiều. Anh sạch sẽ tới mức không thể chấp nhận được. Chị Quy kể, khi đi làm về, trước khi vào nhà, anh Tuấn phải… rửa qua xe máy rồi mới dắt vào nhà. Chính vì vậy, anh luôn cố gắng về sớm nhất để lau rửa xe cộ cho vợ con. Có hôm, bé Lệ được nghỉ học chiều nên cho xe đạp vào nhà. Khi thấy cảnh xe đầy cát, anh Tuấn phát khùng, mắng con như con đã mắc lỗi gì tày đình lắm. Anh Tuấn còn sạch tới mức, không kể khách khứa, họ hàng, người thân hay vợ con, ngay khi vừa bước chân vào nhà, anh vội vàng lấy giẻ lau lấy lau để sàn nhà. Nhiều họ hàng, bạn bè của anh chị khó chịu ra mặt. Chồng sạch… mất họ hàng Rất nhiều lần nhắc nhở chồng nhưng không được, chị Quy chỉ còn cách đi xin lỗi họ hàng. Chị Quy kể không có khách thì thôi, cứ hễ có khách là chị lại bị trách mắng. Sau khi chị giải thích, nhiều người miễn cưỡng thông cảm nhưng phần đông lại giận dỗi. Trong một lần tiếp cả đoàn khách ở quê lên chơi. Chẳng may khách đến đúng vào ngày trời mưa. Nhà ướt, bẩn thỉu. Anh Tuấn chẳng nể nang ai, mang ngay thau chậu ra lau nhà. Người trẻ thì khó chịu, người già thì giận đùng đùng mắng chị xối xả. Cụ Thìn, cô ruột anh Tuấn lên tiếng: “Tôi xin lỗi. Chúng tôi nhà quê bẩn thỉu vào nhầm cửa quan. Có nể cái mặt già này, anh đợi chúng tôi về mới lau có được không. Hay chúng tôi mang bệnh đến đây. Không lau, nhà anh chết ngay à?”. Nói xong, cụ Thìn đùng đùng bỏ về. Giữa cơn mưa xối xả, cả đoàn người theo gót cụ và không quên ném cái nhìn đầy giận dỗi về phía gia đình anh. Chỉ tội chị Quy hết lời van vỉ mà vẫn bị trách mắng thậm tệ. Anh Thăng không “bệnh” tới mức đó nên chỉ chị Miên là người hứng chịu. Bình thường anh Thăng tự tay làm tất cả nhưng bỗng nhiên anh đổ bệnh, phải nằm một chỗ. Thế nên các công việc không tên đầy vất vả lại dồn vào tay chị. Đã mệt phờ với việc cơ quan, chăm sóc con cái, chị Mên lại phải làm thêm việc lau nhà. Ngày nào cũng cũng bị “chỉ đạo” lau 5 tầng nhà rộng lớn, lau tủ, lau bàn ghế,… Có lúc đang nấu cơm, chị giật mình vì giọng anh cằn nhằn. Anh chỉ từng chỗ, chỗ này có vài vết bụi, chỗ kia có tí mạng nhện,… Làm việc được một tuần chị Miên cảm thấy vô cùng mệt mỏi. Dù rất thương chồng nhưng chị không kiềm chế được, có lúc cả hai anh chị to tiếng vì chuyện chồng quá sạch. Sau nhiều cuộc chiến tranh lạnh, anh chị quyết định thuê ôsin trở lại. Anh đứng ra nhận trách nhiệm “đào tạo” ôsin. Cũng như những lần trước, ôsin mới tiếp tục khiến anh thất vọng. Chị Miên chỉ thở dài: “Trên đời này chẳng ai đáp ứng được cái bệnh sạch của lão nhà tôi”. Theo TTVN, 19/6/2012 Like this: Like Đang tải ... Related

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét